Các doanh nghiệp (DN) thép đang chịu nhiều sức ép bủa vây. Ở trong nước thì tình trạng ế ẩm chưa chấm dứt, khó khăn vốn chưa được giải quyết… Từ bên ngoài, thép Trung Quốc giá rẻ liên tiếp tấn công giành giật thị phần…
như dìm DN thép trong nước ngập sâu vào khốn đốn và có nguy cơ chết hẳn. 20% DN thép phá sản. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), “Lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Dự báo có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012.
Cho đến nay chưa có DN thép nào tuyên bố phá sản, nhưng trên thực tế có không ít doanh nghiệp đã chết lâm sàng, chỉ là chưa công bố mà thôi. Vì hiện nhiều công ty không có báo cáo sản xuất, nhiều người chạy nợ, thậm chí không có cả tiền để trả lương cho bảo vệ, ông Cường cho biết.
Ông Cường nói: “chưa khi nào lượng thép dư thừa nhiều như 6 tháng qua, những năm trước, mỗi tháng dư thừa 250.000 – 300.000 tấn thép là con số không lớn, được xem như số thép gối đầu cho tháng sau, bởi mỗi tháng tiêu thụ bình thường của DN dao động từ 400.000 đến 450.000 tấn. Thế nhưng hiện nay lượng thép tồn đọng lên đến trên 350.000 tấn, trong khi tiêu thụ chỉ còn 300.000 tấn/tháng”.
Ông Cường lấy dẫn chứng, có DN vận hành hết công suất thiết đạt 30.000 đến 70.000 tấn/tháng nhưng bán ra chưa đến 1/3 số lượng. Chẳng hạn như Công ty Thép Thái Nguyên, trước kia mỗi tháng bán ra khoảng 20.000 -30.000 tấn thì nay chỉ còn 14.000-15.000 tấn.
Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện nay, thép Hòa Phát phải cắt giảm 10%- 15% công suất của mình để giảm lượng hàng tồn kho.
Nhiều DN thép thời gian qua đã phải tiết giảm sản xuất để khớp với nhu cầu thị trường. Theo Hiệp hội Thép, một số doanh nghiệp thép đã 2 tháng nay không sản xuất, nhiều doanh nghiệp giảm từ 3 ca xuống còn 2 ca để bớt công suất.
Bên cạnh câu chuyện hàng tồn kho, lãnh đạo VSA cho biết, lãi suất vẫn là khó khăn lớn của DN. Hiện lãi suất đã về dưới 15%/năm nhưng DN thép vẫn khó khăn bởi với mức đó, mỗi tháng DN phải trả lãi số tiền tăng thêm hơn 200.000 đồng/tấn/tháng
Đặc biêt, thời gian qua một số DN đã phải vay ngân hàng lãi suất cao để đầu tư cho sản xuất thép, nay nhà máy đi vào hoạt động, nhưng tiêu thụ không tốt, dẫn đến khó khăn chồng chất, nhất là những DN ít vốn, phải vay ngân hàng nhiều.
Nhiều DN thép mong muốn ngân hàng giảm lãi suất về mức 7-9% để cải thiện sản xuất kinh doanh, đầu tư cho ngành thép, đồng thời tìm hướng tháo gỡ hàng tồn kho. Bên cạnh đó Chính phủ cần giảm thuế VAT cho các DN từ 10% xuống 5% có như vậy hoạt động sản xuất thép mới thoát khỏi khó khăn tránh bị phá sản hàng loạt.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thêm 5% vào cuối tháng 6/2012 vừa qua cũng tăng thêm mối lo cho nhiều doanh nghiệp.
Theo tính toán, giá điện hiện chiếm 6% -7% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp thép. Để làm ra 1 tấn thép phải sử dụng khoảng 600kWh. Với giá điện tăng 5% sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Tính bình quân một DN sản xuất 40.000 tấn thép/tháng thì riêng chi phí tiền điện tăng thêm 1,56 tỷ đồng/tháng.
Trong khi giá thép không tăng, ngược lại còn giảm, thì chi phí đầu vào không ngừng tăng, khiến DN thép càng thêm khó khăn.
Theo ông Cường, ngành thép vẫn xác định khả năng tăng trưởng từ 3-4% so với năm 2011, nhưng để đạt được mục tiêu này, xem ra rất khó khi 2 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm và tiêu thụ thép cũng đang trên đà giảm.
Thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Công ty thép Việt – Ý nêu thực tế, thời gian qua, ngoài vấn đề tiêu thụ chậm, lãi suất cao thì DN thép Việt Nam đang chịu sức ép từ sản phẩm nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, bởi sản phẩm nhập khẩu có lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá. Khi vào thị trường VN, giá thép cuộn của họ rẻ hớn thép trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn. DN VN rất khó cạnh tranh với nội địa.
Ông Trần Xuân Dương, Tổng giám đốc Thép Hoà Phát cho biết thêm, hiện nay thị trường phía Nam đang nhập khẩu 200.000 -300.000 tấn thép dây từ Trung Quốc, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào VN là khó tránh khỏi.
Cùng lo lo lắng như đại diện thép Hoà Phát, ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Công ty Thép Tây Đô (Cần Thơ) nói: “Điều quan trọng là Nhà nước có biện pháp ngăn chặn thép Trung Quốc vào VN, bởi nếu cạnh tranh sòng phẳng thì DN Việt chào thua về giá và DN Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường, nhường sân chơi cho các nhà sản xuất nước bạn”.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thép thế giới cũng không sáng sủa, đặc biệt, sản lượng thép thế giới tăng lên, nhất là Trung Quốc, mỗi năm sản xuất trên 700 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng thép thế giới. Nhưng hiện tại bất động sản Trung Quốc lại gặp vấn đề, nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm mạnh, lượng thép này dư thừa, chắc chắn sẽ làm cho ngành sản xuất thép của nhiều nước gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam.
Thép Trung Quốc tại Việt Nam đang có giá rẻ hơn thép của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra bởi các doanh nghiệp thép Trung Quốc được hưởng lãi vay rất thấp chỉ 5% bằng 1/3 lãi suất các doanh nghiệp thép Việt Nam đang chịu, hơn nữa sản xuất với sản lượng lớn, chính vì vậy mà họ có lợi thế lớn về giá.
Trước đây Nhà nước đã điều chỉnh mức thuế, nhưng đến nay vẫn không cản được thép xây dựng của Trung Quốc vào Việt Nam. Hiện thép cuộn của Trung Quốc đang thâm nhập mạnh tại thị trường Việt Nam, thép cây chưa thâm nhập được là do thương hiệu còn xa lạ với khách hàng Việt Nam, nhưng với lợi thế giá rẻ, không sớm thì muộn thép câyTrung Quốc cũng sẽ vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN cho rằng, trong bối cảnh khó khăn thị trường trong nước và cạnh tranh của DN nước ngoài, DN trong nước phải đoàn kết cùng nhau hỗ trợ vượt qua khó khăn, giữ giá thị trường. Bởi DN nước ngoài sẽ nghe ngóng tình hình giá cả, tiếp tục có những đợt giảm giá mới. Bên cạnh đó, theo ông Khôi, để tìm đầu ra cho ngành thép, bản thân các DN cần giảm tiêu hao nhiên liệu đầu vào, tìm hợp đồng mới, hướng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, tập trung vào sản xuất thép mạ kẽm, tôn,…
Tuy nhiên, theo ông Khôi, ngoài nỗ lực của DN thì Ngân hàng cần có những phương án hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp hơn. Để giảm giá thành thì phải có vốn lãi suất thấp phục vụ sản xuất, mở rộng nhà xưởng bởi một số DN không vay được vốn ngân hàng nên phải tìm cách xoay vốn lưu động lãi suất cao.